Tiếp cận với mô hình Giáo Dục Khai Phóng, chúng ta có thể tự mở cho mình một cánh cửa thông qua việc học hỏi và lòng can đảm để vượt qua vùng an toàn, có khả năng chịu được sự va vấp, có năng lực tiếp thu những thông tin đúng đắn, cởi mở với chủ nghĩa không hoàn hảo, chúng ta chấp nhận được cảm giác khó chịu và dám mắc sai lầm góp phần định vị được tài năng cá nhân.
Mô hình giáo dục giúp khai thác tiềm năng tối đa như một giá trị của con người hiện đại
Về mặt nghĩa đen, "khai" có nghĩa là mở ra, "phóng" có nghĩa là giải phóng. Do đó, khai phóng có thể được hiểu là sự mở ra và giải phóng, giúp con người thoát khỏi những sai lầm trong suy nghĩ của họ bằng cách khuyến khích việc tiếp thu kiến thức thật sự thông qua quá trình suy nghĩ và phản ánh hợp lý.
Theo TS. Giản Tư Trung về mặt triết học: “Khai phóng là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng. Khai trí giúp ta có cái đầu sáng để có khả năng minh định được đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà; còn khai tâm giúp ta có trái tim nóng với tình thương yêu và lòng trắc ẩn để thôi thúc ta hành động thiện lương. Khi tâm và trí được khai mở, việc giải phóng hết tiềm năng để thăng hoa trong công việc và cuộc sống sẽ là điều hiển nhiên.”
TS. Giản Tư Trung, với bề dày cống hiến cho giáo dục ở trong các vai trò Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Trưởng Ban Tổ Chức Giải thưởng Sách Hay và Chủ nhiệm Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Scholarship, đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh là Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một Nhà hoạt động giáo dục.
Giáo dục khai phóng (Liberal Education) là một phương pháp giáo dục toàn diện nhằm phát triển tri thức, kỹ năng và giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân. Với mô hình giáo dục có nền tảng rộng rãi và giúp cá nhân tiếp cận với khoa học, toán học, khoa học xã hội và nhân văn. Để qua đó ứng dụng, đối phó với sự phức tạp, đa dạng và thay đổi trong đời sống. Nền giáo dục khai phóng cũng giúp phát triển ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội cũng như các kỹ năng thực hành và trí tuệ, có thể chuyển giao, chẳng hạn như khả năng giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề cũng như khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế. Giáo dục khai phóng sẽ góp phần xây dựng cho chúng ta khả năng tự học, khả năng thích nghi cao trong nhiều môi trường khác nhau, và kiến thức bao quát trong nhiều lĩnh vực
Mô hình Giáo dục Khai phóng của Viện Giáo Dục IRED cổ vũ tinh thần “Tự lực khai phóng” và “Tin vào thực học” nhằm giúp mỗi người học tự đào luyện mình ở 4 năng lực tổng quan là “Năng lực văn hóa (Làm người)”, “Năng lực công dân (Làm dân)”, “Năng lực chuyên môn (Làm nghề)” và “Năng lực lãnh đạo (Làm sếp)” để có thể trở thành: Con người tự do, Công dân trách nhiệm và Chuyên gia ưu tú.
“Nhiệm vụ đích thực của giáo dục không phải là lựa chọn thay cho người khác hay khuyên bảo họ hay nhào nặn họ, mà chính là tiếp sức cho họ để họ biết cách tự lực khai phóng chính mình, tự thay đổi mình theo cách của họ để trở thành con người mà họ muốn, sống cuộc đời mà họ mơ. Điều sâu xa nhất của giáo dục khai phóng chính là giáo dục nhân bản... Nhân là người, bản là gốc. Lấy con người làm gốc, cụ thể, lấy độc lập, tự do, hạnh phúc của người học làm gốc chứ không phải lấy nhào nặn hay áp đặt của mình làm gốc.” - TS. Giản Tư Trung
Giáo dục khai phóng là một triết lý giáo dục nhấn mạnh đến việc phát triển toàn diện con người, bao gồm cả kiến thức, kỹ năng và thái độ. Bên cạnh tập trung vào truyền đạt kiến thức chuyên ngành, giáo dục khai phóng sẽ giúp các cá nhân phát triển toàn diện khả năng tư duy phản biện (Critical Thinking), giải quyết vấn đề (Problem Solving Skills), giao tiếp hiệu quả (Effective Communication Skills) và tư duy sáng tạo (Creative Thinking).
Tư tưởng cốt yếu của giáo dục khai phóng là khai mở ra những điều mới mẻ, khai thác tối đa tư duy sáng tạo của mỗi cá nhân, giải phóng tư duy và năng lực, tạo điều kiện cho họ phát huy hết khả năng, trở thành một công dân có ích cho xã hội. Đặc trưng của mô hình này là đào tạo linh hoạt cả về chiều rộng và chiều sâu của từng môn học, khuyến khích các môn liên ngành, cung cấp nhiều lựa chọn.
Phát triển tư duy phản biện và giải quyết vấn đề : Giáo dục khai phóng giúp mỗi cá nhân phát triển khả năng suy nghĩ độc lập, phân tích và đánh giá thông tin. Để qua đó, họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt có cơ sở.
Kích thích sự sáng tạo và đổi mới: Với môi trường học tập đa dạng, giáo dục khai phóng khuyến khích khám phá những ý tưởng mới và thử nghiệm các cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết vấn đề. Từ đó, ứng dụng những tư duy mới mẻ vào thực tế, góp phần vào sự tiến bộ của xã hội.
Nâng cao kỹ năng giao tiếp và hợp tác: Trong môi trường làm việc đa dạng và đòi hỏi sự hợp tác cao ngày nay, giáo dục khai phóng sẽ trang bị cho các cá nhân những kỹ năng mềm thiết yếu, bên cạnh kiến thức chuyên môn. Thông qua các hoạt động nhóm, thảo luận và trình bày ý kiến, từ đó cải thiện khả năng lắng nghe, thuyết phục và làm việc cùng người khác.
Tạo dựng nền tảng kiến thức vững chắc: Với chương trình học đa dạng, giáo dục khai phóng giúp xây dựng một nền tảng kiến thức rộng rãi và sâu sắc, các cá nhân có thể nắm vững những khái niệm cốt lõi và hiểu rõ mối liên hệ giữa các lĩnh vực khác nhau. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để họ tự tin bước vào mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Chuẩn bị cho sinh viên bước vào thế giới thực : Giáo dục khai phóng không chỉ dừng lại ở việc trang bị kiến thức lý thuyết mà còn chú trọng vào việc chuẩn bị cho sinh viên đối mặt với những thách thức của thế giới thực. Qua việc rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và sự sáng tạo, các cá nhân được trang bị đầy đủ để trở thành những công dân toàn cầu, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách và tận dụng cơ hội trong môi trường làm việc đa dạng và thay đổi không ngừng.
Giáo dục khai phóng có ý nghĩa quan trọng đối với cả cá nhân và xã hội. Đối với cá nhân, giáo dục khai phóng giúp họ phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần, từ đó có thể trở thành những công dân có ích cho xã hội. Đối với xã hội, giáo dục khai phóng tạo điều kiện cho sự hình thành một thế hệ có tư duy rộng mở, sáng tạo và có khả năng thích ứng, giải quyết những thách thức của thời đại mới.
Giáo dục khai phóng đặt con người làm trung tâm, không chỉ học tập vì kiến thức mà còn vì sự phát triển bản thân. Thông qua việc học hỏi đa dạng các lĩnh vực từ khoa học, nghệ thuật, đến xã hội học, các cá nhân sẽ được khuyến khích tự tìm hiểu và khai phá những giá trị cá nhân, từ đó khám phá và xác định bản sắc riêng. Quá trình này giúp họ không chỉ trở thành những chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể mà còn là những con người toàn diện, có khả năng tự nhận thức và định hướng cuộc sống dựa trên những giá trị cốt lõi của bản thân.
Học mà không hành thì thực sự là chưa học
(To learn and not to do is really not to learn)
Biết mà không dùng thì thực sự là chưa biết
(To know and not to do is really not to know)
- IPL Scholarship
Thế giới đang ngày càng thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi con người phải có khả năng thích ứng và đáp ứng với những thay đổi đó. Thay vì chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức thông qua việc nhớ và tái sản xuất thông tin, giáo dục khai phóng khuyến khích khả năng nâng cao tư duy sáng tạo, khám phá, tự học và áp dụng kiến thức vào thực tế. Đồng thời phát triển các kỹ năng mềm quan trọng như khả năng làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả và tư duy phản biện. Những kỹ năng này là cần thiết để thích ứng với môi trường làm việc đa dạng và toàn cầu hóa ngày nay.
Trong thời đại kinh tế tri thức, các công việc đòi hỏi trình độ cao và khả năng sáng tạo ngày càng nhiều. Giáo dục khai phóng giúp các cá nhân phát triển những kỹ năng cần thiết thông qua việc đào tạo theo hướng liên ngành và khuyến khích trải nghiệm thực tế. Có thể nói, giáo dục khai phóng có tiềm năng cao để trở thành xu hướng giáo dục trong tương lai.
Giáo dục khai phóng không chỉ hướng đến việc trang bị kiến thức chuyên môn mà còn là một tầm nhìn rộng lớn về thế giới. Quá trình học tập trong môi trường này giúp sinh viên hiểu sâu sắc về sự đa dạng văn hóa, kinh tế và xã hội, từ đó hình thành tư duy toàn cầu. Họ không chỉ được dạy cách giải quyết các vấn đề trong phạm vi quốc gia mà còn học cách nhìn nhận và tham gia giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và phát triển bền vững.
Việc khuyến khích tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng hợp tác đa văn hóa giúp các cá nhân không ngừng mở rộng tầm nhìn và phát triển kỹ năng cần thiết để hòa nhập và thành công trong một thế giới ngày càng phức tạp và kết nối. Nhờ vậy, giáo dục khai phóng không chỉ đào tạo những cá nhân thành công trong công việc mà còn là những công dân toàn cầu có trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại.